06/01/2021

Truy xuất nguồn gốc: ‘Giấy thông hành’ cho hàng xuất khẩu

Để hàng hóa của Việt Nam dễ dàng lên kệ hàng của các quốc gia, sản phẩm xuất khẩu cần phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của nước nhập khẩu, trong đó thực hiện truy xuất nguồn gốc phải được triển khai một cách đầy đủ.

LTS: Gần đây, các cơ quan chức năng Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam theo lộ trình là mít và dưa hấu, sau đó là sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài, chôm chôm, chuối, vải và thủy sản.

Trước thực trạng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện chuỗi sự kiện triển khai đánh giá mã vùng, vùng trồng, mã xưởng, kê khai thông tin sản phẩm, cung cấp tem truy xuất nguồn gốc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong việc xuất khẩu chính ngạch nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Xoài là một trong 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải được truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu. 

Bài 1: ‘Hàng rào’ truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông, thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc

Những năm gần đây, Trung Quốc có quy định, yêu cầu cao về kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa, chứng nhận chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sâu bệnh... đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Vì vậy, việc đáp ứng các yêu cầu, quy định nêu trên là điều kiện tiên quyết nếu hàng nông, thủy sản Việt Nam muốn xuất khẩu thành công sang thị trường này.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ hàng nông, thủy sản số 1 của Việt Nam chiếm tỷ trọng 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước năm 2018.

Tuy nhiên, nhiều yêu cầu ngày càng chặt chẽ được ra với hàng xuất khẩu vào Trung Quốc.

Theo cam kết khi gia nhập các tổ chức quốc tế và khuôn khổ luật pháp quốc tế, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu nhằm bảo hộ thị trường và ngành sản xuất trong nước, đối với những lô hàng ngoài hạn ngạch nhập khẩu sẽ bị áp thuế rất cao so với hàng nhập khẩu trong hạn ngạch.

Tháng 5/2018, phía Trung Quốc phát đi thông tin sẽ siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc.

Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói.

Đây là 2 yêu cầu xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc.

Hiện nay, có 9 loại quả của Việt Nam gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp.


Với trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số.

Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.

Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế.

Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt.

Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo đến tất cả các tỉnh và cơ sở đóng gói để chủ động thực hiện khi phía Trung Quốc yêu cầu.

(Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT)

Mặt khác, việc mở cửa thị trường các quốc gia này cho mặt hàng nông sản xuất khẩu như mặt hàng trái cây của Việt Nam cũng cần trải qua quy trình về đánh giá rủi ro dịch bệnh và căn cứ theo thứ tự ưu tiên đối với từng mặt hàng riêng lẻ với thời gian dài trước khi có thể ký kết Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính thức.

Ngoài một số quy định theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nông, thủy sản nhập khẩu.

Cụ thể, chỉ định cửa khẩu nhập khẩu, bao gồm cửa khẩu đường bộ, hàng không và đường thủy đối với các mặt hàng cụ thể như trái cây, thủy sản, lương thực... Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với nông thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Nông sản, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc, luôn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 20%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của nước ta ra thế giới. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.

Từ năm 2018 đến nay, sau khi sắp xếp lại các cơ quan trực thuộc Chính phủ, theo đó, hệ thống các cơ quan kiểm nghiệm - kiểm dịch được sáp nhập vào Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phía Trung Quốc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định mà Trung Quốc đã ban hành từ lâu về kiểm nghiệm - kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác...

Đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị chững lại và giảm trong 02 năm trở lại đây sau nhiều năm tăng trưởng khá.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, các quy định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bao bì, tem nhãn hàng hóa... đối với nông sản, thủy sản nhập khẩu đều là những yêu cầu cơ bản và được phép áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều đã và đang áp dụng các biện pháp tương tự để kiểm soát chất lượng nông thủy sản nhập khẩu, qua đó bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

“Việc Trung Quốc thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định này trước mắt có thể ảnh hưởng tới một số nông thủy sản của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức "trao đổi cư dân biên giới", nhưng về lâu dài sẽ góp phần tạo động lực để các địa phương và người nông dân nước ta tổ chức lại sản xuất theo hướng coi trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng Việt Nam cũng như quốc tế, trong đó có quyền được an toàn và quyền được thông tin đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa mà họ mua”, ông Phong cho biết.

Chia sẻ tại hội thảo “Các yêu cầu liên quan đến Truy xuất nguồn gốc mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc” được Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức, ông Trần Minh Hồng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Chứng nhận và kiểm định Trung Quốc (CCIC) cũng cho biết, từ năm 2011 Trung Quốc đã có quy định và chính sách truy xuất nguồn gốc.

Năm 2018 Trung Quốc chính thức thiết lập luật truy xuất tại quốc gia này.

"Để điều chỉnh thêm các vấn đề liên quan đến việc quản lý truy xuất nguồn gốc mặt hàng trái cây nhập khẩu, từ ngày 1/4/2018 doanh nghiệp nhập khẩu phải báo cáo cho cửa khẩu nhập cảnh các tài liệu quản lý truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm nhập khẩu.

Từ 1/5/2018 trái cây nhập khẩu phải được kiểm tra thực tế, trái cây nào không có thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng trên bao bì sẽ được xem là sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, sẽ được trả lại hoặc tiêu hủy theo quy định", ông Hồng cho hay.

Là đơn vị được giao đầu mối chủ trì, triển khai Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc của Chính phủ, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN) thờ gian qua đã bắt tay triển khai, phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan cùng tìm phương án tháo gỡ khó khăn, rào cản cho nông sản xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc.

Theo ông Bùi Bá Chính – Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, đơn vị này đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với CCIC để cùng xây dựng và khai thác hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc vào hồi tháng 7/2019 là một bước triển khai rất tích cực của Việt Nam nhằm thúc đẩy các hoạt động giúp thuận lợi hóa cho hoạt động xuất khẩu.

"Bước đầu, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ được thực hiện trên các mặt hàng trái cây.

Các loại trái cây Trung Quốc đã yêu cầu sẽ được áp dụng thực hiện theo lộ trình: mít và dưa hấu, sau đó là sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài, chôm chôm, chuối, vải.

Riêng thủy sản năm 2020 sẽ được triển khai", ông Chính cho biết.

(Nguồn bài viết: http://tbtagi.angiang.gov.vn/truy-xuat-nguon-goc-giay-thong-hanh-cho-hang-xuat-khau-9350.html)