08/05/2020

Ninh Thuận ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Ninh Thuận là một trong những tỉnh thường xuyên phải đối mặt với tình trạng hạn hán và thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Để chủ động ứng phó và hạn chế tối đa thiệt hại, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển các loại giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu...


Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Những ngày đầu xuân, chúng tôi đến Ninh Thuận để tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp tại những vùng khô hạn. Thật bất ngờ khi những hoang mạc, bãi cát trắng chạy dài năm xưa giờ đã được thay thế bằng những vườn nho, vườn táo đang cho mùa quả ngọt và nhất là màu xanh của hàng chục hecta măng tây. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.680 ha nho, táo, măng tây và rau xanh các loại, trong đó có 300 ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung chủ yếu tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Hải, Ninh Sơn...

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho chúng tôi biết: để đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, từ đó hình thành mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ. Thông qua tuyên truyền, vận động, tỉnh đã thu hút được 31 nhóm liên kết với 289 hộ tham gia trồng 74 ha nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hầu hết sử dụng mô hình tưới nước tiết kiệm và áp dụng máy móc vào sản xuất.

Theo ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, tỉnh sẽ đầu tư phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chú trọng các loại cây đặc thù, có lợi thế. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nho, táo đạt 3.200 ha, sản lượng khoảng 105.000 tấn; diện tích cây măng tây đạt 500 ha, cây nha đam đạt 500 ha...

“Quả ngọt” từ ứng dụng công nghệ cao

Anh Nguyễn Văn Trinh là người đi "tiên phong" trồng cây măng tây ở phường An Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Năm 2009, anh bắt đầu trồng 500 m2 măng tây theo mô hình VietGAP trên vùng đất hạn. Trước hiệu quả kinh tế rõ rệt của loại cây này, anh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích rau màu còn lại sang trồng măng tây và hiện có tổng cộng 2 ha. Với sản lượng 100 kg/ngày, giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, anh Trinh đã trở thành tỷ phú "chân đất" ở vùng đất cát đầy nắng, gió này. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao mà gia đình ông Hùng Ky, người dân tộc Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước đã thoát nghèo và làm giàu từ nông nghiệp. Trên diện tích 2,5 ha măng tây, lạc, cà chua của gia đình, để giảm chi phí sản xuất, ông đã áp dụng mô hình tưới tiết kiệm phun mưa, phun tia, nhỏ giọt.

Trong khi hầu hết người dân phải bỏ sản xuất thì ông Ky mỗi năm thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Đây là "quả ngọt" mà gia đình ông có được sau nhiều năm chinh phục vùng đất khô hạn này. Đến tham quan vườn nho của gia đình ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi) ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, chúng tôi lại hiểu thêm cách thức người dân nơi đây chinh phục thiên nhiên. Từ 1 ha ban đầu, nhờ ứng dụng quy trình VietGAP, trang trại của ông hiện đã mở rộng lên 2 ha. Việc xây dựng sản phẩm nho tươi theo tiêu chuẩn VietGAP có thể coi là bước ngoặt cho ông Ba Mọi với trên 70% sản lượng được tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nhiều hộ gia đình ở Ninh Thuận thay đổi cuộc sống, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.